Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Thái Bình: Nuôi tôm vụ đông cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng

Thứ Năm, 08:35 ngày 23/05/2024

Ở miền Bắc, nuôi trồng thủy sản vụ đông, đặc biệt là nuôi tôm luôn được xác định là khó khăn, do bị ảnh hưởng gió mùa đông bắc, nhiệt độ giảm sâu, dịch bệnh… Do đó, để khắc phục những khó khăn trên, nhiều năm qua, các xã Nam Thịnh, Nam Hưng, Nam Phú ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, một số hộ dân nơi đây đã đầu tư nhà bạt, nhà lưới chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao, đã cho hiệu quả, tỷ lệ sống đạt 100%, năng suất trên 40 tấn/ha.

Mô hình nuôi tôm vụ đông của gia đình bà Huệ (xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình)

Vừa qua, chúng tôi đến hộ gia đình bà Tô Huệ ở xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, hộ đã nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông trên diện tích 2.500 m2. Sau 4 tháng thả nuôi, tỉ lệ tôm sống đạt 100%, sản lượng đạt gần 10 tấn.
Bà Huệ cho biết, là người không hiểu biết nhiều về nghề nuôi thủy sản nhưng vì sinh ra ở miền biển Tiền Hải nên bà quyết định đầu tư nuôi tôm. Ban đầu, trước khi triển khai mô hình bà gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, thời gian gần đây do môi trường nước phục vụ nuôi tôm bị ô nhiễm nên nhiều hộ trong xã không còn mặn mà với nghề này, nhiều hộ trắng tay do tôm bị dịch bệnh chết… Nhưng được sự động viên của gia đình, bà quyết tâm đầu tư nuôi tôm vụ đông trong nhà lưới. Trên diện tích 2.500 m2 được chia thành 5 ao, bà nuôi tôm thẻ chân trắng. Nuôi tôm vụ hè đã khó, nuôi tôm vụ đông còn khó hơn nhiều… Theo bà Huệ, để có một vụ tôm thành công ngoài các yếu tố như thời tiết, con giống thì kiểm soát môi trường nước là điều đặc biệt quan trọng. Để kiểm soát được môi trường nước trong quá trình nuôi cũng như lượng thức ăn dư thừa khi cho tôm ăn, bà Huệ đã sử dụng vi sinh xử lý môi trường của Hàn Quốc cùng với chuyên gia người Hàn Quốc hỗ trợ để chăm sóc, theo dõi đàn tôm. 
Nhìn những con tôm to, khỏe khi thương lái đến mua, bà Huệ vui mừng cho biết, có thể nói đây là một vụ tôm thắng lợi. Vì bình thường ở đây người dân nuôi trong vòng 4 - 5 tháng thì tôm mới đạt 70 - 80 con/kg. Còn trong đầm tôm tôi nuôi cũng thời gian ấy, tôm đã đạt từ 40 - 45 con/kg. Với giá bán như hiện tại dao động từ 170 -180 nghìn/kg, trừ hết chi phí gia đình tôi lãi khoảng 300 triệu đồng….
Ông Choi Sang Chul, chuyên gia người Hàn Quốc chia sẻ, nguồn nước ở đây để nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi tôm đã bị ô nhiễm do một thời gian dài người dân nuôi với mật độ cao, nguồn nước cấp và nguồn nước thải trong quá trình nuôi không được kiểm soát. Do đó, điều qua trọng nhất là phải xử lý môi trường nước trước khi thả tôm. Môi trường ao nuôi sẽ được cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài… Sau 4 tháng thả nuôi, có thể đánh giá, ngoài sự chăm sóc, thức ăn, kiểm soát nhiệt độ, môi trường mước thì chế phẩm sinh học để xử lý môi trường trong suốt quá trình nuôi là điều hết sức quan trọng. Đến thời điểm này, có thể nói việc sử dụng chế phẩm sinh học, kỹ thuật nuôi tôm của Hàn Quốc đã phát huy hiệu quả… Ông Đào Xuân Tứ, cán bộ kỹ thuật theo suốt quá trình nuôi cho biết, xã Nam Thịnh nói riêng và vùng nuôi trồng thủy sản huyện Tiền Hải nói chung nguồn nước không còn đảm bảo như trước. Nhiều hộ nuôi trong xã đã thua lỗ nặng khi nuôi tôm do bị dịch bệnh. Việc kiểm soát, xử lý nguồn nước đầu vào trong nuôi tôm là điều kiện đặc biệt quan trọng. Trong đó sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nguồn nước, thức ăn dinh dưỡng bổ sung và thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm là điều mà người nuôi tôm phải đặc biệt chú trọng để có một vụ tôm bội thu…

Ông Choi Sang Chul, chuyên gia người Hàn Quốc hỗ trợ các hộ gia đình chăm sóc đàn tôm

Phó phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Ngọc Quân cho biết, nuôi tôm vụ đông ở miền Bắc đã được nhiều hộ dân ở các địa phương như Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh... triển khai. Mặc dù cho thu nhập tốt hơn nuôi tôm vụ xuân hè nhưng không phải ai cũng nuôi được do đầu tư chi phí lớn, nhiều rủi ro Để có một vụ tôm hiệu quả cao nhất thì người nuôi cần chú ý đến thời tiết, đặc biệt những hôm trời rét đậm, rét hại. Hơn nữa cần kiểm tra môi trường nước thường xuyên và áp dụng các biện pháp kỹ thuật như sử dụng chế phẩm xử lý môi trường, thức ăn, con giống, kiểm soát dịch bệnh thật tốt thì mới đảm bảm hiệu quả cho người nuôi…

Minh Hải