Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Nuôi vịt trong ruộng lúa (Bài 2): Lợi ích kép

Thứ Năm, 09:05 ngày 30/05/2024

Mặc dù các mô hình nuôi lồng ghép giữa lúa - vịt, hoặc lúa - vịt - cá trong cùng một hệ thống canh tác đã được nông dân áp dụng từ rất lâu và mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, theo thời gian, ngành hàng lúa gạo bước vào cuộc đua gia tăng về sản lượng, cùng với những tiến bộ mới về công nghệ trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, đã làm cho mô hình này ngày càng mất dần.

Ngành nông nghiệp Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng, xu hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu đang đặt ra yêu cầu mới cho việc sản xuất bền vững. Theo đó, mô hình truyền thống nuôi vịt ghép với trồng lúa là một trong những giải pháp mang tính khả thi, dễ thực hiện và phù hợp với xu hướng mới. Mặc dù vậy, những lợi ích quan trọng mà con vịt mang lại đối với cây lúa chưa thật sự được phân tích một cách rõ ràng.

Thứ nhất, vịt nuôi sử dụng côn trùng trong ruộng lúa làm thức ăn, qua đó làm giảm mật độ sinh vật gây hại. Vịt di chuyển và len lỏi, quan sát trên trên từng nhánh lúa để tìm và tiêu diệt các loại sâu và bướm sâu gây hại, đây là loại thức ăn ưa thích của chúng. Đối với các loại côn trùng nhỏ hơn như: các loại rầy, bọ trĩ, rệp sáp… dưới tác động cơ học khi vịt chạm vào thân cây lúa sẽ có tác dụng xua đuổi hoặc làm chúng rơi xuống nước, trở thành thức ăn cho các loại động vật khác như cá, ếch, nhái. Tuy nhiên, một số quan sát cũng cho thấy rằng, vịt nuôi có thể ăn các loại côn trùng có lợi (thiên địch) khác trong ruộng lúa như: ấu trùng chuồn chuồn, nhện, bọ rùa… Mặc dù vậy, việc làm giảm mật độ côn trùng trong ruộng lúa một cách đáng kể cũng góp phần làm giảm tác động bằng hóa chất để diệt sâu rầy, ít nhất trong giai đoạn 45 ngày đầu sau sạ.

Thứ hai, vịt nuôi giúp kiểm soát cỏ dại một cách hiệu quả. Trong các cánh đồng, cỏ dại là vấn nạn khó quản lý, đặc biệt là đối với các ruộng lúa sạ với mật độ thưa. Nguyên nhân là do giai đoạn đầu cây lúa chưa đủ lớn để che ánh sáng, ở những khoảng trống đó, cỏ dại vẫn tiếp tục phát triển bất chấp việc phun thuốc diệt cỏ hóa học. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vịt có tác dụng quản lý cỏ dại thông qua ba cơ chế. Đầu tiên, vịt tìm kiếm và sử dụng các hạt mầm cỏ làm thức ăn, qua đó làm giảm mật độ hạt giống cỏ tiềm tàng trong nên đất.

Tiếp theo, đối với các cây cỏ vừa này mầm, vịt ăn lá cỏ và làm chúng không thể phát triển. Nhiều nghi ngờ cho rằng vịt sẽ ăn cả lá cây lúa, tuy nhiên thực tế cho thấy không như vậy, ngay cả khi giai đoạn lúa nhỏ, bởi vì lá lúa cứng và nhám hơn nhiều so với cỏ.

Và cuối cùng, do tập tính di chuyển liên tục để tìm thức ăn, nền đất và nước chân ruộng sẽ được xáo trộn liên tục, luôn trong tình trạng vẫn đục. Vì vậy, ánh sáng không thể xuyên xuống đến nền đất, cỏ dại không thể nảy mầm. Cơ chế này tương tự như kỹ thuật sục bùn được áp dụng ở những mảnh ruộng không thể quản lý cỏ bằng phương pháp hóa học, tuy nhiên vịt nuôi sẽ trỏ thành “cỗ máy sinh học” giúp con người thực hiện điều đó. Ở Nhật Bản, các nhà khoa học thậm chí còn sáng tạo ra những rô-bốt vịt, với nhiệm vụ chạy liên tục trong ruộng lúa để sục bùn. Điều này cho thấy rằng, việc quản lý cỏ dại của vịt nuôi trong ruộng lúa là cực kỳ hiệu quả.

Thứ ba, vịt nuôi giúp giảm lượng phân bón vô cơ và tăng năng suất lúa. Trong quá trình di chuyển, vịt cũng liên tục thải phân lên nền đất ruộng. Mặc dù lượng chất thải cần một khoảng thời gian để phân hủy và trở thành loại đạm mà cây lúa có thể hấp thu. Tuy nhiên, sau vài mùa vụ, lượng hữu cơ này sẽ phát huy tác dụng và giúp giảm lượng phân đạm vô cơ đáng kể.

Thực tế cho thấy ở những cánh đồng có nuôi vịt qua nhiều vụ, lượng phân đạm có thể giảm từ 20% - 30% mà cây lúa vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, thậm chí ít xảy ra dịch bệnh hơn. Một tác động khác của vịt nuôi giúp tăng năng suất lúa, chính là làm xáo trộn nền đất, giúp tăng oxy cho nước, tăng cường độ thoáng khí và ngăn ngừa sự tích tụ khí độc. Điều này giúp cho bộ rễ của cây lúa phát triển mạnh mẽ và tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng.

Bên cạnh những tác động tích cực đối với cây lúa, vịt nuôi trong hệ thống lúa-vịt cũng có chất lượng thịt và giá trị dinh dưỡng cao hơn so với vịt được nuôi bằng phương pháp thông thường. Điều này có được là do vịt trong ruộng lúa sử dụng chủ yếu các loại thức ăn tự nhiên như: côn trùng, cua, ốc, cỏ dại… sẵn có trong hệ sinh thái. Bên cạnh đó, vịt được tư do di chuyển trong không gian rộng lớn, vì thế có tỷ lệ mỡ thấp và cơ thịt săn chắc. Vì vậy, giá trị kinh tế của vịt nuôi theo phương pháp này sẽ cao hơn.

Mô hình lúa - vịt không chỉ mang lại lợi ích kép cho nông dân, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận mà còn có khả năng nhân rộng rất cao. Một trong những yếu tố then chốt quyết định khả năng nhân rộng của một mô hình mới chính là tính dễ thực hiện. Đối với những ruộng lúa và hệ thống hạ tầng sẵn có, chỉ cần nuôi thêm vịt là đã có thể triển khai một giải pháp hiệu quả mà không cần thay đổi quá nhiều hiện trạng. Đây được xem là một giải pháp khả thi và phù hợp cho quá trình tăng trưởng xanh của ngành nông nghiệp, đặc biệt là ngành hàng lúa gạo trong thời gian tới.

Lâm Trọng Nghĩa