Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Nuôi vịt trong ruộng lúa (Bài 1): Hiệu quả vượt trội

Thứ Ba, 09:10 ngày 28/05/2024

Canh tác theo hướng tuần hoàn và thuận thiên đang dần trở thành xu hướng mới đối với ngành nông nghiệp thế giới, giúp tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Mô hình nuôi vịt trong ruộng lúa ở Đồng Tháp

Ở Việt Nam, từ xa xưa, người nông dân đã biết ứng dụng nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn thông qua việc tận dụng những đặc tính tương hỗ giữa các loại cây trồng, vật nuôi để giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. Một trong những giải pháp như vậy chính là mô hình nuôi xen canh vịt trong ruộng lúa.

Phương pháp này không những đơn giản, dễ thực hiện mà còn mang lại hiệu quả kép. Vịt nuôi sẽ giúp tiêu diệt cỏ dại, sâu rầy và cung cấp một phần phân bón hữu cơ cho cây lúa, ngược lại các sinh vật có sẵn trong ruộng lúa (sâu, rầy, bướm, cua, ốc…) sẽ trở thành thức ăn cho vịt. Như vậy, cách làm này sẽ giúp giảm chi phí trồng lúa, thông qua việc giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Mặt khác, vịt nuôi cũng không cần sử dụng quá nhiều thức ăn công nghiệp. Quan trọng hơn, nông dân có thể gia tăng thu nhập từ việc bán vịt thương phẩm và trứng bên cạnh thu nhập chính từ cây lúa. Tuy nhiên, để nuôi vịt trong ruộng lúa đạt hiệu quả, bà con cần lưu ý các vấn đề sau:

Đối với con giống, bà con có thể lựa chọn giống vịt chuyên thịt hoặc chuyên trứng (vịt đẻ). Tuy nhiên, giống vịt chuyên trứng sẽ có thể hình nhỏ và nhanh nhẹn, phù hợp cho việc di chuyển và luồn lách trong đồng lúa, từ đó hiệu quả tiêu diệt sâu rầy và cỏ dại sẽ tốt hơn. Bà con cần lựa chọn giống vịt tại các cơ sở có uy tín, chọn vịt con khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông bóng, mắt sáng, bụng gọn, chân mập, cứng cáp, dáng đi vững vàng, có màu sắc lông tơ đặc trưng của giống. Đặc biệt là cần có hồ sơ tiêm phòng và giấy kiểm dịch của cơ quan thú y địa phương. Sau khi lựa chọn được cơ sở sản xuất giống, cần đặt lịch hẹn ngày giao nhận để trại giống chủ động ấp nở đúng thời điểm.

Về mật độ và thời điểm thả vịt vào ruộng lúa, ngày tiến hành gieo sạ lúa là thời điểm thích hợp nhất để mang vịt giống về ươm dưỡng (quây úm), bà con cần thiết kế khu vực trại ươm nơi khô ráo, dùng rơm khô làm đệm lót, có mái che mưa nắng và bóng đèn điện sưởi ấm vào ban đêm. Thời gian ươm dưỡng từ 7-15 ngày, lúc này lúa ngoài đồng đã cao từ 15 – 20 cm, là thời điểm thích hợp để thả vịt vào ruộng lúa. Tùy vào điều kiện chăn nuôi mà bà con có thể thả vịt nhiều hay ít, tuy nhiên cần duy trì mật độ từ 100 – 150 con vịt/ha để đảm bảo hiệu quả tối ưu.

Nuôi xen canh vịt trong ruộng lúa là một mô hình đơn giản, dễ thực hiện ở quy mô lớn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội

Về chăm sóc, sau khi thả vịt vào ruộng lúa, bà con cần luyện tập thói quen quay về chuồng nhốt cho đàn vịt nuôi vào chiều tối. Có thể sử dụng âm thanh như tiếng trống, tiếng kẻng hay dùng tiếng gọi để luyện tập phản xạ quay về của vịt. Vào ban ngày, vịt nuôi sẽ luồn lách trong ruộng lúa và các kênh dẫn nước để tìm thức ăn, ban đêm khi quay về chuồng, bà con cần bổ sung thêm thức ăn công nghiệp để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng giúp vịt tăng trọng tốt. Cần quan sát bầu diều của vịt khi quay về để phán đoán tình trạng no, đói của vịt, từ đó bổ sung lượng thức ăn một cách phù hợp.

Về phòng ngừa dịch bệnh, do mật độ nuôi vịt tương đối thấp, kết hợp với việc được tự do vận động thường xuyên nên có sức đề kháng tốt, ít xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, bà con cần lưu ý tiêm vacxin phòng bệnh theo đúng khuyến cáo của ngành thú y, đặc biệt là đối với các bệnh như: cúm gia cầm, dịch tả, tụ huyết trùng… Ngoài ra, cần định kỳ vệ sinh chuồng trại bằng các loại hóa chất diệt khuẩn để tiêu diệt mầm bệnh, giảm mùi hôi gây ảnh hưởng đến môi trường.

Về thời gian thả vịt trong ruộng lúa, vào giai đoạn khoảng 60 - 65 ngày sau sạ, khi cây lúa bắt đầu giai đoạn trổ bông, bà con cần nhốt vịt hoàn toàn trong chuồng nuôi, tránh tình trạng vịt ăn bông lúa. Trong giai đoạn này, có thể tận dụng các loại phụ phẩm như chuối cây, lúa chét… để kết hợp với thức ăn hỗn hợp cho vịt ăn. Đối với vịt chuyên thịt, khi đạt trọng lượng từ 2,5kg - 3kg là có thể xuất bán. Tuy nhiên, đối với vịt đẻ trứng, bà con cần nuôi đến hết vụ, sau đó thả vịt ra đồng để ăn lúa rơi còn sót lại. Lúc này, tùy điều kiện mà người nuôi có thể bán vịt lấy thịt, hoặc tiếp tục nuôi để lấy trứng.

Mô hình nuôi vịt trong ruộng lúa mang lại hiệu quả kép

Đối với ruộng lúa kết hợp nuôi vịt, bà con phải sạ lúa với mật độ thưa, từ 70kg - 90kg/ha, cần áp dụng phương pháp sạ cụm, kéo hàng hoặc cấy. Việc sạ mật độ thưa không những giúp giảm chi phí giống, giúp cây lúa phát triển khỏe mạnh, mà còn tạo lối đi thông thoáng cho vịt trong quá trình di chuyển. Ruộng lúa có nuôi vịt sẽ ít xuất hiện sâu, rầy gây hại, vì vậy bà con hạn chế phun thuốc trong giai đoạn 45 ngày đầu sau sạ. Mặt khác, sau 2-3 vụ, có thể giảm 20% - 30% lượng phân đạm, do chất thải từ vịt qua nhiều vụ sẽ cung cấp một phần lượng đạm cần thiết cho cây lúa. Nếu có thể, khu vực trồng lúa cần được thiết kế có hệ thống kênh (mương) chứa nước xung quanh, chiếm từ 10% - 20% tổng diện tích. Các kênh chứa nước này ngoài việc là nơi cho vịt tắm, tìm thức ăn vào thời điểm rút nước mà còn có thể kết hợp nuôi cá để gia tăng thu nhập.

Nuôi xen canh vịt trong ruộng lúa là một mô hình đơn giản, dễ thực hiện ở quy mô lớn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Quan trọng hơn, đây còn là giải pháp kỹ thuật khả thi để hướng đến một nền nông nghiệp xanh và phát thải thấp, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

Lâm Trọng Nghĩa