Nghiên cứu chế biến sản phẩm bột vỏ thanh long ruột đỏ (Hylocereus spp.)

NGUYỄN CHÍ QUYỂN, HỨA THỊ THẢO HƯƠNG, DƯƠNG THỊ PHƯỢNG LIÊN.

Từ khóa

Bột, vỏ thanh long ruột đỏ, polyphenol, flavonoid, DPPH

Tóm tắt

Thanh long ruột đỏ là loại quả giàu dinh dưỡng, hiện được trồng phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long. Vỏ quả thanh long phế phẩm từ các nhà máy chế biến có hàm lượng dinh dưỡng đa lượng, cùng với các hợp chất có hoạt tính chống oxy hóa cao nhưng chưa được khai thác sử dụng hiệu quả. Nghiên cứu được tiến hành nhằm khảo sát ảnh hưởng của dạng nguyên liệu vỏ thanh long ruột đỏ: không xử lý, chần với nước nóng 90°C trong 2 phút, nghiền nhỏ, lạnh đông ở nhiệt độ (-18°C) trong 2 ngày, nghiền nhỏ sau khi lạnh đông cùng với phương pháp sấy: sấy đối lưu bằng không khí nóng ở nhiệt độ 50, 60 và 70°C, sấy lạnh (28°C) và sấy thăng hoa đến chất lượng bột vỏ thanh long. Các đặc tính vật lý và chỉ số hoà tan, các hợp chất có hoạt tính sinh học (betacyanin, polyphenol và flavonoid) và hoạt tính chống oxy hóa thể hiện qua khả năng loại gốc tự do 2,2-Diphenyl-1-picrylhydrazyl (DPPH) của bột được xác định. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bột vỏ thanh long ruột đỏ được sấy bằng phương pháp sấy lạnh (28°C) từ vỏ thanh long dạng tươi được nghiền nhỏ trước khi sấy cho chất lượng tốt nhất. Khi đó bột có chứa hàm lượng polyphenol, flavonoid và betacyanin lần lượt là 3,49 ± 0,10 mg GAE/g; 0,16 ± 0,01 mg QE/g; 37,99 ± 0,04 mg/100 g. Khả năng loại gốc tự do DPPH là 59,37 ± 0,25%. Kết quả nghiên cứu góp phần mở rộng phạm vi sử dụng chất chống oxy hóa có nguồn gốc từ chất thải và góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường do phế phẩm vỏ thanh long.



Đã xuất bản

16/09/2024

Cách trích dẫn

Lĩnh vực

Chuyên đề