Vi bao tinh dầu từ củ hành tím bằng kỹ thuật sấy phun

NGUYỄN THỊ VÂN ANH, TRẦN VIẾT TÀI ĐỨC, NGUYỄN THỊ HOÀNG VY, VÕ THỊ THU HẰNG, PHẠM XUÂN PHƯƠNG, NGUYỄN ĐỨC CHUNG, NGUYỄN VĂN TOẢN.

Từ khóa

Bột tinh dầu, cyclodextrin, hành tím, maltodextrin, vi bao.

Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu này là khảo sát ảnh hưởng của một số chất mang và thông số công nghệ đến chất lượng bột vi bao tinh dầu hành tím. Nghiên cứu được tiến hành với các loại chất mang là α-cyclodextrin (α-CD), hỗn hợp α-CD và maltodextrin (MD) với tỉ lệ 2 : 1, γ-cyclodextrin (γ-CD), hỗn hợp γ-CD và MD với tỉ lệ 2 : 1, tỉ lệ tinh dầu hành tím bổ sung là 2, 5 và 8% với các nhiệt độ sấy là 160, 170 và 180oºC. Quá trình vi bao thực hiện bằng máy sấy phun với đầu phun li tâm (tốc độ bơm dịch 30 ml/phút, tốc độ đĩa quay là 22.000 vòng/phút), tinh dầu hành được tính toán phối trộn với chất mang và nước để đảm bảo nồng độ chất khô 20oºBx, khuấy trộn với tốc độ 1.200 vòng/phút trong 5 phút ở nhiệt độ phòng. Hỗn hợp sau đó được đưa đi sấy phun. Bột vi bao tinh dầu hành được phân tích các chỉ tiêu gồm: Độ ẩm, độ hòa tan, hiệu quả vi bao, hiệu suất vi bao. Ngoài ra, bột tinh dầu còn được đánh giá khả năng kháng oxy hóa bằng phương pháp khử gốc tự do 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl (DPPH). Kết quả phân tích cho thấy, hỗn hợp chất mang γ-CD : MD với tỉ lệ 2 : 1, tỉ lệ tinh dầu bổ sung là 5% và nhiệt độ sấy phun là 170oºC cho bột vi bao có hiệu suất vi bao, hiệu quả vi bao lần lượt đạt 82,6%, 94,8%. Ở điều kiện vi bao này, bột tinh dầu hành có độ ẩm 2,4% và độ hòa tan 90,1%, hạt bột có dạng hình cầu với bề mặt trơn hoặc lõm, kích thước hạt bột (chụp bằng kính hiển vi điện tử quét) nhỏ hơn 40 µm. Tinh dầu được vi bao có khả năng kháng oxy hóa với IC50 là 59,75 µg/ml.



Đã xuất bản

16/09/2024

Cách trích dẫn

Lĩnh vực

Chuyên đề