Đánh giá tiềm năng đất trồng rừng Giổi ăn hạt (Michelia tonkinensis) bằng phương pháp phân tích thứ bậc mờ tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum
Giổi ăn hạt là loài cây thân gỗ đa mục đích vừa cho gỗ và cho hạt đem lại giá trị kinh tế cao. Trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã có các mô hình trồng Giổi ăn hạt thuần loài và trồng xen với cây công nghiệp hoặc cây nông nghiệp (cà phê, sắn). Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình này đều dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của các địa phương đã trồng thành công loài cây này nên việc đánh giá đánh giá mức độ thích hợp làm cơ sở đề xuất các giải pháp phát triển loài Giổi ăn hạt nhằm góp phần nâng cao chất lượng rừng từ các mô hình trồng cây lâm nghiệp đa mục đích ở địa phương. Bằng kỹ thuật GIS và phương pháp phân tích thứ bậc mờ với 4 nhóm nhân tố sinh thái chính (khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình và trạng thái thực bì) với 7 nhân tố sinh thái phụ (lượng mưa, nhiệt độ, độ dày tầng đất, loại đất, độ cao, độ dốc và loại hình sử dụng đất và rừng) để đánh giá mức độ thích hợp của loài Giổi ăn hạt ở các tiểu vùng sinh thái khác nhau. Tiềm năng đất trồng rừng Giổi ăn hạt trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum được phân thành 4 mức độ: Rất phù hợp, phù hợp, ít phù hợp và không phù hợp. Diện tích đất rất phù hợp cho trồng rừng Giổi ăn hạt là rất thấp, chỉ chiếm 1,60%, trong khi đó diện tích ít phù hợp chiếm tỷ lệ lớn nhất (74,14%); diện tích nằm ở mức độ phù hợp và không phù hợp gần như tương đương nhau, lần lượt là 10,00 và 14,26%.