Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng đồng bằng để thích ứng với suy giảm nguồn nước tại tỉnh An Giang
Tỉnh An Giang có nguồn tài nguyên nước thích hợp cho sản xuất nông nghiệp, nhưng hiện nay nguồn nước đang có nhiều biến động. Nghiên cứu tập trung khảo sát hiện trạng chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại vùng đồng bằng của tỉnh An Giang và những yếu tố tác động đến quá trình chuyển đổi. Nghiên cứu sự thay đổi điều kiện nguồn nước được xác định thông qua yếu tố tổng lượng nước về đồng bằng và mực nước nội đồng giai đoạn 1996 - 2020, số liệu được thu thập tại 7 trạm đại diện mực nước nội đồng tỉnh An Giang và được xử lý bằng phương pháp kiểm định hồi quy tuyến tính và phân tích Mankendall-SenSlope và Pettit. Sự chuyển đổi mô hình sản xuất được thu thập khảo sát bằng phương pháp phỏng vấn người am hiểu (KIP), phỏng vấn nhóm và 120 nông hộ. Kết quả cho thấy, đã có sự suy giảm mực nước tổng lượng nước về tỉnh An Giang và mực nước nội đồng. Nghiên cứu chuyển đổi từ trồng lúa sang cây trồng cạn (rau màu, cây ăn trái) đã và đang được thực hiện ở hai huyện An Phú và Châu Phú. Tại huyện Châu Phú, chuyển đổi từ lúa sang cây ăn trái (CAT) chiếm tỷ lệ 76,19% và huyện An Phú 38,03%. Lợi nhuận trồng màu cao hơn lúa 85,71%, năng suất lúa giảm 27,02% và thiếu nước canh tác (trồng màu thường yêu cầu ít nước hơn trồng lúa) 23,08%, đây là những nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Để phát triển cần chú ý hỗ trợ kỹ thuật giúp nông hộ áp dụng tốt hơn với mô hình mới và quan trọng là gia tăng liên kết giữa nông dân với các nhóm liên quan trong chuỗi giá trị, từ đó nông dân có được lợi nhuận cao hơn, tham gia nhiều hơn vào quá trình sản xuất, nhằm đảm bảo thu nhập ổn định cho nông hộ tại khu vực đồng bằng tỉnh An Giang.