Xây dựng mô hình tiêu biểu về nông thôn mới ở Hậu Giang
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục của tỉnh Hậu Giang. Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã huy động mọi nguồn lực để tập trung thực hiện chương trình NTM trên địa bàn toàn tỉnh nhằm thay đổi diện mạo nông thôn có chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng kỹ thuật - kinh tế xã hội, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa, công trình thủy lợi và tư duy sản xuất theo hướng hiện đại. Trong đó, điển hình là sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu hóa nông thôn mới Hàn Quốc (SGF) để triển khai Dự án 2 làng NTM tại ấp Tân Quới Lộ, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp và ấp 9, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ.
Đường nông thôn mới ở Hậu Giang
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hậu Giang đã đề ra nhiều nội dung nhiệm vụ như: Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng.
Là tỉnh còn nhiều khó khăn song Hậu Giang đã huy động tối đa mọi nguồn lực trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang đã có 40/51 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 78,4%; đồng thời có 11 xã NTM nâng cao, đạt 27,5% và có 3 xã NTM kiểu mẫu, đạt 27,3%. Ngoài ra, toàn tỉnh có 3/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, gồm: thành phố Ngã Bảy, thành phố Vị Thanh và huyện Châu Thành A, đạt 37,5%. Bên cạnh đó, về chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) luôn được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, cùng người dân trong tỉnh quan tâm thực hiện và hiện gặt hái được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 266 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP, với 125 chủ thể tham gia. Trong đó, có 92 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 174 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Những kết quả trong xây dựng NTM và OCOP thời gian qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang.
Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đến cuối năm 2023 đạt 80,33 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,49%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 đạt 12,27%, đứng thứ 2 cả nước; riêng 4 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đứng thứ 9 cả nước và thứ 2 vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài những nguồn lực kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, của tỉnh và huy động từ nguồn lực xã hội để thực hiện chương trình NTM, đặc biệt, trong những năm qua, mối quan hệ hợp tác của tỉnh Hậu Giang và các đối tác Hàn Quốc ngày càng đi vào chiều sâu và bền chặt trong đó có chương trình triển khai dự án làng NTM tại ấp Tân Quới Lộ, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp và ấp 9, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ. Thống kê cho thấy từ năm 2013 đến nay đã có 21 bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Hậu Giang với các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc đã được ký kết trong nhiều lĩnh vực mở ra nhiều triển vọng cho vùng đất trẻ năng động, đầy hứa hẹn trong xu thế hội nhập.
Mô hình dưa lưới do Hàn Quốc hỗ trợ
Vào cuối năm 2015, tỉnh Hậu Giang đã ký kết hợp tác cùng Quỹ Toàn cầu hóa nông thôn mới Hàn Quốc (SGF) phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang để triển khai Dự án 2 làng NTM tại ấp Tân Quới Lộ, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp và ấp 9, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ. Bởi đây là 2 ấp thuộc diện khó khăn khi hạ tầng còn yếu kém, người dân chủ yếu canh tác lúa trên diện tích nhỏ lẻ với kỹ thuật lạc hậu, từ đó đời sống người dân chỉ ở mức thấp vào thời điểm mới bắt đầu thực hiện làng NTM.
Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh Hậu Giang, cho biết: Thời gian qua, đơn vị được tỉnh giao làm đầu mối phối hợp với Quỹ toàn cầu hóa NTM Hàn Quốc trong việc theo dõi, hỗ trợ thực hiện dự án, nhất là triển khai nhiều hạng mục, trang thiết bị để hỗ trợ tại 2 làng NTM được phát triển theo mục tiêu mà tỉnh Hậu Giang và Tổ chức Quỹ toàn cầu hóa NTM Hàn Quốc đã đề ra.
Cụ thể, Quỹ toàn cầu hóa NTM Hàn Quốc đã hỗ trợ 2 làng NTM của tỉnh đầu tư xây dựng công trình nhà văn hóa cộng đồng, xây dựng trụ sở làm việc cho 2 hợp tác xã và hệ thống nông trại sản xuất nông nghiệp với diện tích trên 4.000 m2 nhà kính và nhà lưới để người dân tại mỗi làng NTM sản xuất nông sản sạch. Bên cạnh đó, Quỹ toàn cầu hóa NTM Hàn Quốc còn phối hợp cùng Trung tâm Saemaul thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo kỹ năng, nâng cao kiến thức, trình độ ngoại ngữ và phương pháp sản xuất mới cho bà con nhân dân tại 2 làng NTM của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Năm, người dân ở làng NTM ấp Tân Quới Lộ, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Nhờ có sự giúp đỡ của phía Hàn Quốc, hạ tầng, đường xá và các công trình thiết yếu đã được đầu tư xây dựng nâng cấp khang trang sạch sẽ giúp thay đổi bộ mặt của Ấp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong phát triển sản xuất, vận chuyển tiêu thụ hàng hóa. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật canh tác sản xuất, người dân tiếp cận được khoa học kỹ thuật giúp tăng năng suất cây trồng, vật nuôi…”. Chính sự quan tâm trên mà làng NTM ấp Tân Quới Lộ hôm nay có sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ trên các mặt; đặc biệt là đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao rất nhiều so với trước khi thực hiện làng NTM.
Qua hơn 9 năm triển khai thực hiện 2 làng NTM, nhờ sự kết hợp nguồn lực đầu tư từ Quỹ toàn cầu hóa NTM Hàn Quốc cùng các nguồn đầu tư của tỉnh và những đóng góp công sức của bà con nhân dân, từ đó các tiêu chí xây dựng NTM tại 2 làng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt là nếu trước đây, người dân tại 2 làng NTM chỉ làm ruộng với quy mô nhỏ lẻ thì nay đã liên kết sản xuất và cùng nhau ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp để gia tăng chuỗi giá trị nông sản; qua đây nhằm nâng cao nguồn thu nhập, trong đó điển hình là hoạt động hiệu quả của 2 hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Seamaul.
Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh, thông tin thêm: Sau hơn 5 năm thành lập, hiện số thành viên mỗi HTX của 2 làng NTM đã tăng gấp đôi so với trước đây, với hơn 70 thành viên/HTX, cùng tổng số vốn ở mỗi HTX trên 500 triệu đồng. Điều đáng phấn khởi là thu nhập bình quân của người dân tại 2 làng NTM đến cuối năm 2023 đạt hơn 80 triệu đồng/người/năm, tăng gần 50 triệu đồng/người/năm so với thời điểm đầu năm 2016.
Bên cạnh đó, một điểm ấn tượng khác tại 2 làng NTM của tỉnh là ngoài đời sống vật chất ngày càng phát triển thì ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng được nâng lên thông qua nhiều việc làm thiết thực đã và đang thực hiện như: Người dân tổ chức thu gom và xử lý rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, đồng thời tích cực trồng hoa, cây xanh để tạo cảnh quan môi trường trước và xung quanh nhà… Qua đây đã góp phần tạo ra diện mạo mới cho 2 làng NTM và trở thành mô hình tiêu biểu về công tác xây dựng NTM tại tỉnh Hậu Giang.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có nhiều tác động tích cực đến khu vực nông thôn của tỉnh Hậu Giang
Có thể thấy, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có nhiều tác động tích cực đến khu vực nông thôn của tỉnh Hậu Giang như: diện mạo nông thôn có chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng kỹ thuật - kinh tế xã hội, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa, công trình thủy lợi… ngày càng được đầu tư cơ bản, đồng bộ và hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn được cải thiện và ngày càng nâng cao, các hình thức tổ chức sản xuất trong nông thôn ngày càng được đổi mới, cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên…
Minh Châu