Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Tăng nguồn thu cho người dân ở Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà

Thứ Hai, 00:00 ngày 21/11/2022

Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà được thành lập năm 2004, là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam, bao gồm nhiều loài động, thực vật đặc hữu và quý hiếm.

“Gìn giữ thiên nhiên, văn hóa là gìn giữ tương lai”. Ảnh: TL

Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà được thành lập năm 2004, là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam, bao gồm nhiều loài động, thực vật đặc hữu và quý hiếm.

Vườn nằm trên địa bàn của 5 xã và 1 thị trấn, với hơn 80% là người dân tộc thiểu số. Nguồn thu nhập chủ yếu của người dân nơi đây là từ nông nghiệp, đời sống của một bộ phận người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt những hộ dân sống gần rừng…Vì vậy, những năm qua VQG Bidoup - Núi Bà đã luôn đặt cộng đồng địa phương là hạt nhân trong quản lý bảo tồn đa dạng sinh học và tập trung triển khai các hoạt động có liên quan đến cộng đồng địa phương. Nhằm tăng cường công tác bảo vệ rừng từ chính cộng đồng, giúp cộng đồng có nguồn thu nhập, Vườn đã đẩy mạnh chương trình giao khoán quản lý bảo vệ rừng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng. Diện tích giao khoán cho các hộ dân tăng hàng năm, từ đó nguồn thu nhập hàng năm của các hộ dân cũng tăng.

Khu vực VQG Bidoup - Núi Bà là nơi hình thành hai dòng sông lớn là sông Đồng Nai và sông Sêrêpôk, có nhiều nhà máy thủy điện nên tạo nguồn tài chính từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Luật Lâm nghiệp năm 2017.

Chi trả DVMTR đã giảm thiểu tình trạng mất rừng. Ảnh: TL

Theo báo cáo của VQG Bidoup - Núi Bà năm 2021 đã ký hợp đồng với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đơn vị tập thể, bảo vệ hơn 65.000 ha rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các hộ dân nhận khoán là hơn 31,7 tỷ đồng. Tuy số tiền thu nhập chưa nhiều, nhưng từ nguồn này, đời sống của người nhận khoán được cải thiện đáng kể, bởi đối với một số hộ nhận khoán đây là nguồn thu nhập chính và ổn định của gia đình.

Đối với VQG Bidoup - Núi Bà từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã giảm thiểu tình trạng mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao chất lượng rừng, chống biến đổi khí hậu… Mặt khác người dân càng ngày chủ động tham gia nhiều vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng. Nhiều tổ cộng đồng nhận khoán đã xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng. Tuy nhiên, để chi trả DVMTR thực sự đem lại hiệu quả không chỉ dừng lại ở "chính sách" mà trở thành sự cam kết thực hiện đúng trách nhiệm của các hộ nhận khoán khi tham gia bảo vệ rừng, Vườn đặt ra mục tiêu sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực cho các hộ nhận khoán, nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân...

ĐH (T/h)

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!