Nghiên cứu, đánh giá thực trạng và tiềm năng sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở tỉnh Thái Bình
Đánh giá tiềm năng sản xuất hữu cơ được thực hiện trên diện tích 91.633 ha đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thái Bình trên cơ sở TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ. Kết quả điều tra cho thấy, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có một số mô hình sản xuất hữu cơ, tuy nhiên, phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, chưa có nhiều vùng quy mô lớn, thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Trong sản xuất nông nghiệp, thói quen lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học vẫn còn phổ biến; hiệu quả mang lại từ sản xuất hữu cơ chưa tương xứng với tiềm năng về điều kiện đất đai, khí hậu của tỉnh Thái Bình. Từ kết quả phân tích, đánh giá các mẫu đất, mẫu nước đã xác định được các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tiềm năng với các mức: Tiềm năng cao là 9.167,20 ha; tiềm năng trung bình là 27.498,60 ha; tiềm năng thấp là 50.414,10 ha; không tiềm năng là 4.583,10 ha. Ngoài ra, đã đề xuất được 10 giải pháp kỹ thuật để quản lý và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Thái Bình. Kết quả nghiên cứu này bước đầu là cơ sở khoa học cho việc bố trí sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp với tiềm năng, lợi thế và điều kiện tự nhiên, đồng thời là căn cứ để đưa ra các giải pháp canh tác bền vững, bảo vệ đất, bảo vệ nguồn nước tưới trên địa bàn tỉnh Thái Bình.