Nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật đến dược liệu ké đầu ngựa (Xanthium strumarium L.) tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương
Nghiên cứu này nhằm xác định biện pháp kỹ thuật về thời vụ, mật độ trồng và liều lượng phân bón thích hợp cho cây ké đầu ngựa (Xanthium strumarium L.) tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Kết quả nghiên cứu về thời vụ trồng cho thấy: Số lượng quả và năng suất quả ở thời vụ trồng tháng 3 cao hơn so với thời vụ trồng tháng 4. Năng suất đạt 14,03 tấn/ha ở thời vụ trồng tháng 3, trong khi thời vụ trồng tháng 4 đạt 13,2 tấn/ha. Nghiên cứu về mật độ cho thấy: Chiều cao, đường kính tán và số cành cấp 1 ở giai đoạn sau trồng 7 tháng tuổi, khác biệt có ý nghĩa (P ≤ 0,05). Công thức trồng 50 x 60 cm (MĐ1) có chiều cây cao hơn chiều cao cây ở công thức 50 x 70 cm (MĐ2)và 50 x 80 cm (MĐ3). Ở MĐ2 có số cành cấp 1 lớn nhất (24,5 cành/cây), trong khi đó ở MĐ1 chỉ đạt giá trị tương ứng là 21,7 cành/cây ở giai đoạn sau trồng 7 tháng tuổi, ở MĐ2 có năng suất cao nhất (13,08 tấn/ha) cao hơn và có ý nghĩa (p ≤ 0,05) so với MĐ3 và MĐ1. Kết quả nghiên cứu về liều lượng phân bón cho thấy, công thức phân bón 9 kg NPK (9: 6: 3) + 6,5 kg NPK (17: 12: 7) + 7,5 kg NPK (12: 7: 17) + 1 kg vi lượng (PB2) có năng suất cao nhất (13,91 tấn/ha) cao hơn có ý nghĩa (p ≤ 0,05) so với các công thức phân bón 11 kg NPK (9: 6: 3) + 7,5 kg NPK (17: 12: 7) + 8,5 kg NPK (12: 7: 17) + 1 kg phân vi lượng (PB3) và công thức phân bón 7 kg NPK (9: 6: 3) + 5,5 kg NPK (17: 12: 7) + 6,5 kg NPK (12: 7: 17) + 1 kg vi lượng (PB1). Công thức bón 9 kg NPK (9: 6: 3) + 6,5 kg NPK (17: 12: 7) + 7,5 kg NPK (12: 7: 17) + 1 kg vi lượng có nhiều ưu thế nhất nên có thể áp dụng trong điều kiện tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, cần có nghiên cứu về thành phần axit chlorogenic trong dược liệu ké đầu ngựa theo Dược điển Việt Nam V.