Đa dạng thành phần loài thú trên cạn ở một số đảo của Việt Nam
Việt Nam có 2.773 đảo ven bờ với tổng diện tích 1.720,8754 km2 không những có giá trị về phát triển kinh tế và du lịch sinh thái… mà còn chứa đựng nhiều giá trị đa dạng sinh học cần được khám phá. Các nghiên cứu gần đây về các loài thú đã cho thấy, giá trị đa dạng sinh học và các loài quý hiếm phân bố tại các đảo. Từ năm 2009 đến năm 2023, các nghiên cứu đã được thực hiện trên một số đảo, gồm: Cát Bà, Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng) và Bái Tử Long (tỉnh Quảng Ninh) (thuộc vịnh Bắc bộ); Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), Hòn Tre (tỉnh Khánh Hòa), Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc, Thổ Chu, Hòn Nghệ (tỉnh Kiên Giang) và Hòn Khoai (tỉnh Cà Mau). Kết quả khảo sát đã ghi nhận tổng số 98 loài thú (chiếm 42% tổng số loài hiện được ghi nhận ở Việt Nam) và phân loài thuộc 21 họ, 13 bộ. Trong số các loài ghi nhận, đảo Cát Bà (thành phố Hải Phòng) có số loài ghi nhận nhiều nhất: 54 loài. Tiếp đến là Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang): 43 loài, Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu): 28 loài, Bái Tử Long (tỉnh Quảng Ninh): 27 loài, Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam): 16 loài, Hòn Tre (tỉnh Khánh Hòa): 15 loài, Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang): 8 loài, Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng): 5 loài và Hòn Nghệ (tỉnh Kiên Giang): 3 loài. Có 25 loài phổ biến được ghi nhận phân bố đều ở các đảo thuộc miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam. Khu hệ thú ở các đảo nghiên cứu mang tính đặc trưng theo vùng địa lý động vật với 25 loài quý, hiếm, đặc hữu và phân bố đặc trưng ở các đảo nghiên cứu.