Nghiên cứu ảnh hưởng của thức ăn nhân tạo đến một số đặc điểm sinh học của ruồi đục quả ổi (Bactrocera correcta Bezzi)
Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá ảnh hưởng của 4 loại thức ăn nhân tạo đến sinh trưởng, phát triển của ruồi đục quả ổi (Bactrocera correcta Bezzi). Thí nghiệm được thực hiện theo phương pháp nuôi cá thể trong tủ định ôn ở nhiệt độ 280C, ẩm độ 70 - 80%, thời gian chiếu sáng 12 giờ/ngày với 4 loại thức ăn nhân tạo với thành phần chính là men bia (TA1), cám mì (TA2), cám gạo (TA3) và nhãn xay (TA4). Kết quả cho thấy, trưởng thành cái của ruồi đục quả ổi khi nuôi bằng TA2 (12,819 mg), TA3 (12,139 mg) có khối lượng lớn hơn rõ rệt so với khi nuôi bằng TA1 (11,948 mg), TA4 (11,335 mg). Ruồi đục quả ổi cái ăn thức ăn TA3 có vòng đời ngắn nhất (32,30 ngày), tiếp đó là TA2 (33,26 ngày). Số lượng trứng đẻ trong ngày và tổng số trứng đẻ của một trưởng thành cái khi nuôi bằng TA4 (lần lượt là 8,78 trứng/ngày và 319,43 trứng/ruồi cái) thấp hơn rõ rệt so với khi nuôi bằng 3 thức ăn còn lại. Hệ số nhân của một thế hệ Ro của ruồi đục quả khi nuôi sâu non bằng thức ăn TA2 (276,52) là cao nhất, tiếp theo là TA3 (270,86), TA1 (252,91) và thấp nhất là TA4 (182,52). Tỷ lệ tăng tự nhiên rm khi nuôi bằng TA3 cũng đạt cao nhất (0,136) so với khi nuôi bằng TA1 (0,131), TA2 (0,119) và TA4 (0,103). Kết quả nghiên cứu cho thấy, thức ăn phù hợp nhất cho ruồi đục quả ổi là thức ăn có thành phần chính là cám gạo TA3 và cám mì TA2.