Đặc điểm môi trường nước trong mô hình tôm - lúa luân canh ở Cà Mau
Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long với nhiều mô hình nuôi như: Tôm - rừng, quảng canh cải tiến, tôm - lúa luân canh, thâm canh và siêu thâm canh. Trong đó, mô hình tôm - lúa luân canh tập trung nhiều nhất tại huyện Thới Bình. Đây được xem là mô hình phù hợp trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và thân thiện môi trường theo định hướng phát triển nghề nuôi tôm - lúa luân canh theo hướng bền vững của tỉnh Cà Mau. Sự am hiểu về chất lượng nguồn nước cấp phục vụ cho quá trình canh tác là rất cần thiết. Do đó, mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá chất lượng nước nhằm cung cấp dữ liệu khoa học cho quản lý chất lượng nước trong mô hình tôm - lúa trong thời gian tới. Mẫu nước được thu tại 3 vuông tôm - lúa qua 4 đợt thu mẫu bao gồm: Đầu vụ tôm (Tháng 2), cuối vụ tôm (Tháng 7), đầu vụ lúa (Tháng 10) và cuối vụ lúa (Tháng 12) tại xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau để phân tích các chỉ tiêu thủy, lý, hóa. Kết quả cho thấy, độ mặn giảm nhanh từ đầu vụ đến cuối vụ tôm. Độ kiềm ở mức cao và tương đối ổn định. Hàm lượng oxy trong nước ở mức phù hợp. Tuy nhiên, các chỉ tiêu biểu thị cho hàm lượng dinh dưỡng trong các vuông như: TSS, BOD, TAN, NO2-, NO3-, PO43-, TN, TP và chlorophyll-a cho thấy, chất lượng nước ở mức dinh dưỡng trung bình. Do đó, cần lưu ý nghiên cứu các giải pháp cải thiện dinh dưỡng nhằm tăng cường nguồn thức ăn tự nhiên, góp phần làm tăng năng suất của mô hình.