Hiệu quả xử lý các loại muối silicate đến khả năng kháng bệnh đốm vằn do nấm Rhizoctonia solani Kuhn trên cây lúa nếp AG
Cây lúa nếp AG là đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng lúa nếp ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong thời gian gần đây, bệnh đốm vằn gây hại nghiêm trọng trên lúa nếp AG. Do đó, nghiên cứu đã được thực hiện nhằm đánh giá khả năng kháng bệnh đốm vằn của cây lúa nếp sau khi xử lý với các dạng muối silicate (Si). Đầu tiên, ảnh hưởng của các dạng Si đến khả năng kháng bệnh đốm vằn trên lúa nếp AG được khảo sát ở điều kiện nhà lưới, 4 lần lặp lại, 10 nghiệm thức là: CaSiO3-20N, CaSiO3-50N, Na2SiO3-20N, Na2SiO3-50N, K2SiO3-20N, K2SiO3-50N, SLM-20N, SLM-50N, đối chứng-20N và đối chứng-50N. Kết quả cho thấy, việc xử lý chất Si ở 20 ngày sau gieo (NSG) giúp đạt hiệu quả giảm bệnh đốm vằn ở 10 và 20 ngày sau khi lây bệnh (NSLB), không thể hiện rõ hiệu quả trong việc gia tăng năng suất và các thành phần năng suất. Trong khi đó, việc xử lý Si ở 50 NSG giúp đạt hiệu quả giảm bệnh ở 30 NSLB, số bông trên chậu và khối lượng hạt trên chậu. Hiệu quả đạt được khác nhau tùy vào loại chất Si. Việc xử lý Si ở 50 NSG giúp ức chế sự hình thành hạch nấm R. solani. Ở điều kiện ngoài đồng, nghiệm thức CaSiO3 và K2SiO3 giúp cây lúa nếp ức chế bệnh và đạt năng suất tốt hơn so nghiệm thức Na2SiO3.