Ảnh hưởng của Acaulospora sp.-ABLTĐT813 và Gigaspora sp.-ABLTĐT851 đến sinh trưởng và phát triển của lúa Đài Thơm 8 trên nền đất nhiễm mặn tại huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang
Nấm rễ nội sinh và cây lúa là mối quan hệ tương hỗ, cây lúa cung cấp nguồn các bon hữu cơ ở dạng đường và lipit đáp ứng cho sự sinh trưởng, phát triển của nấm rễ nội cộng sinh. Ngược lại, nấm rễ tăng cường khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng cho cây lúa, tái tạo và tăng cường cấu trúc đất, ngoài ra còn giúp cây kháng lại các mầm bệnh xâm nhiễm và chống chịu với điều kiện đất canh tác bị nhiễm mặn…Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu: (i) Khảo sát khả năng tái xâm nhiễm của dòng nấm rễ Acaulospora sp.-ABLTĐT813 và Gigaspora sp.-ABLTĐT851; (ii) Đánh giá ảnh hưởng của dòng nấm rễ Acaulospora sp.-ABLTĐT813 và Gigaspora sp.-ABLTĐT851 đến sinh trưởng của cây lúa trong điều kiện nhà lưới và năng suất trong điều kiện canh tác ngoài đồng ruộng. Kết quả nghiên cứu đã xác định được tỷ lệ tái xâm nhiễm của 2 dòng nấm rễ Gigaspora sp.-ABLTĐT851 và Acaulospora sp.-ABLTĐT813 tương ứng lần lượt là 80% và 100%. Dòng nấm rễ Acaulospora sp.-ABLTĐT813 tác động đến sinh trưởng của cây lúa hiệu quả hơn dòng nấm rễ Gigaspora sp.-ABLTĐT851 và không khác biệt so với thí nghiệm tổ hợp 2 dòng nấm này trong điều kiện nhà lưới. Trong đó, chiều cao cây và chiều dài rễ lúa tăng hơn so với nghiệm thức đối chứng tương ứng là 1,25 lần và 1,56 lần. Trong điều kiện canh tác ngoài động ruộng tại huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, nghiệm thức có chủng nấm rễ nội cộng sinh Acaulospora sp.-ABLTĐT813 đạt năng suất lúa tăng 1,28 lần so với đối chứng.