Xác định tỷ lệ vật liệu phù hợp từ phụ phẩm nông nghiệp cho sản xuất chế phẩm vi sinh từ vi khuẩn quang dưỡng không lưu huỳnh màu tía cố định đạm
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định tỷ lệ vật liệu phù hợp đối với các dòng vi khuẩn quang dưỡng không lưu huỳnh màu tía cố định đạm cho sản xuất chế phẩm vi sinh. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 tỷ lệ vật liệu, 5 nguồn vi khuẩn, 3 lần lặp lại. Trong đó, 4 tỷ lệ vật liệu rơm: lá khóm: tro trấu, 2: 2: 1; rơm: lá khóm: tro trấu, 1: 3: 1; rơm: lá khóm: tro trấu, 0: 4: 1; rơm: lá khóm: tro trấu, 4: 0: 1 và 5 nguồn vi khuẩn cố định đạm: Đối chứng (ĐC); vi khuẩn cố định đạm W15; vi khuẩn cố định đạm S27; vi khuẩn cố định đạm W39; hỗn hợp vi khuẩn cố định đạm W15, S27 và W39. Kết quả cho thấy, sau 4 tuần khảo sát nghiệm thức bổ sung dòng đơn vi khuẩn W15 và hỗn hợp 3 dòng W15, S27, W39 ở tỷ lệ vật liệu rơm: lá khóm: tro trấu, 2: 2: 1 và rơm: lá khóm: tro trấu, 1: 3: 1 đã giúp tăng hàm lượng đạm tổng số, lần lượt là 32,2 - 44,6% và 40,2 - 41,3% so với ĐC. Tuy nhiên, ở tỷ lệ vật liệu rơm: lá khóm: tro trấu, 0: 4: 1 chỉ có nghiệm thức bổ sung dòng đơn vi khuẩn W39 giúp tăng hàm lượng đạm tổng số 55,4%. Ngoài ra, hàm lượng lân tổng số và các bon tổng số giữa các nghiệm thức ở cả 4 tỷ lệ vật liệu đều tương đương nhau. Bên cạnh đó, ở tỷ lệ vật liệu rơm: lá khóm: tro trấu, 1: 3: 1 và rơm: lá khóm: tro trấu, 0: 4: 1 nghiệm thức bổ sung hỗn hợp 3 dòng vi khuẩn W15, S27 và W39 đã giúp giảm tỷ lệ C/N lần lượt là 42,2 và 22,0%.