Nghiên cứu quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh đối kháng vi khuẩn gây bệnh thối mềm trên cây lan Hồ điệp (Phalaenopsis)
Nghiên cứu này được thực hiện nối tiếp nghiên cứu về phân lập tuyển chọn chủng giống vi khuẩn có khả năng đối kháng với vi khuẩn gây bệnh thối mềm trên cây hoa lan Hồ điệp nhằm mục đích tạo ra được chế phẩm sinh học phục vụ cho việc sản xuất cây hoa lan Hồ điệp, góp phần tăng giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe người lao động. Kết quả đã xác định được điều kiện nhân giống cấp 1 và cấp 2 cho các đối tượng nghiên cứu bao gồm: pH môi trường thích hợp là 7; tốc độ lắc 150 vòng/phút; thời gian 48 giờ, nhiệt độ 300C; tỷ lệ tiếp giống 3% và môi trường canh thang thường cho ĐK1, môi trường King B cho ĐK2. Điều kiện lên men sinh khối để sản xuất chế phẩm là môi trường nước chiết giá đỗ cho ĐK1, nước chiết khoai tây cho ĐK2, tốc độ cánh khuấy 150 vòng/phút, thời gian 48 giờ, ở nhiệt độ 300C, tỷ lệ tiếp giống 10%. Chế phẩm sinh học dùng để phòng, trừ bệnh thối mềm trên cây lan Hồ điệp được sản xuất từ hỗn hợp sinh khối hai chủng là 1:1 (theo thể tích) được bảo quản ở nhiệt độ phòng, nơi thoáng mát, sau 6 tháng mật độ vi sinh vật hữu ích đạt được từ 7,76 - 8,12 x 108 CFU/mL, mật độ vi sinh vật tạp ở mức 1,5 x 103 CFU/mL - 2,6 x 103 CFU/mL, đạt chất lượng theo tiêu chuẩn hiện hành.