Thực trạng và đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển trồng rừng gỗ lớn ở Việt Nam
Rừng trồng gỗ lớn không chỉ mang lại các giá trị về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, cảnh quan, bảo tồn đa dạng sinh học mà còn có giá trị trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là rừng trồng gỗ lớn do có khả năng lưu giữ và hấp thụ khí CO2 lớn và trong thời gian dài. Diện tích trồng rừng gỗ lớn của Việt Nam hiện có 489.016,8 ha và diện tích chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn là 126.175 ha. Diện tích rừng trồng kinh doanh gỗ lớn chiếm 13,45% trên tổng diện tích rừng trồng của cả nước. Đến nay, diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có chủ yếu là các loài keo. Có nhiều loài cây bản địa rất thích hợp cho trồng rừng gỗ lớn và đã có các quy trình kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn cho các loài cây này. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển rừng trồng gỗ lớn ở Việt Nam. Tuy nhiên, trồng rừng gỗ lớn còn gặp nhiều khó khăn, do chu kỳ dài, yêu cầu kỹ thuật và đầu tư cao hơn so với rừng trồng gỗ nhỏ chu kỳ ngắn. Diện tích của các chủ rừng là hộ gia đình và cá nhân được giao quản lý nhỏ, chính sách hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn và gặp nhiều rủi ro nên việc phát triển rừng trồng gỗ lớn còn rất hạn chế và chưa đạt được mục tiêu phát triển của ngành đã đề ra. Vì thế để phát triển rừng trồng gỗ lớn cần quan tâm tháo gỡ, giải quyết các tồn tại này.