Đánh giá hiệu quả của bổ sung dịch chiết thảo dược lên tăng trưởng, tỷ lệ sống và chất lượng thịt cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)
Nghiên cứu đánh giá hiệu quả 5 loại dịch chiết thảo dược: Tỏi (Allium sativum), rau má (Centella asiatica), lá lốt (Piper sarmentosum), trầu không (Piper betle) và trà xanh (Camellia sinensis) khi bổ sung vào chế độ ăn của cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) lên tăng trưởng, hệ số chuyển hoá thức ăn (FCR), tỷ lệ sống và chất lượng thịt. Cá tra giống được bố trí chế độ cho ăn với 5 nghiệm thức sử dụng thức ăn có phối trộn lần lượt các thảo dược vừa nêu. Cá đối chứng sử dụng cùng loại thức ăn nhưng không bổ sung thảo dược. Thời gian thí nghiệm là 60 ngày và các nghiệm thức đều được lặp lại ba lần. Tất cả thảo dược bổ sung trong chế độ ăn cho thấy, cá tra có tỷ lệ tăng trưởng vượt trội và hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) thấp hơn so với đối chứng (P < 0,05). Trong đó, tỏi, rau má và lá lốt cho kết quả cao hơn ở tất cả các chỉ tiêu tăng trưởng, bao gồm khối lượng gia tăng, tỷ lệ tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng đặc trưng. Hàm lượng đạm cao hơn và hàm lượng chất béo thấp hơn trong thịt cá tra sử dụng thức ăn chứa thảo dược đều sai khác có ý nghĩa thống kê so với đối chứng (P < 0,05). Hàm lượng đạm trong thịt cá đạt cao nhất ở nghiệm thức bổ sung tỏi và lá lốt, hàm lượng chất béo đạt thấp nhất ở nghiệm thức bổ sung tỏi và trà xanh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tiềm năng sử dụng các loại thảo dược để cải thiện tăng trưởng và chất lượng thịt của cá tra thương phẩm.