Nghiên cứu nhân nhanh giống hoa hồng Masora (Rosa sp.) bằng kỹ thuật nuôi cấy in vitro
Trong nghiên cứu này, giống hoa hồng Masora được sử dụng làm vật liệu nuôi cấy in vitro. Kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của nồng độ, thời gian lắc Javel (NaOCl) đến khả năng khử trùng mẫu đốt thân hoa hồng Masora, ảnh hưởng nồng độ BA và α-NAA đối với khả năng tạo chồi in vitro và ảnh hưởng nồng độ α-NAA lên sự cảm ứng tạo rễ in vitro cho thấy, đốt thân hoa hồng được khử trùng bằng Javel (NaOCl) có nồng độ 6% trong 10 phút đạt tỷ lệ mẫu sống sạch 56,99% sau 28 ngày khử trùng, sau đó được cấy vào môi trường MS + 30 g/L đường saccarose + 0,5 g/L than hoạt tính bổ sung 2 mg/L BA và 0,5 mg/L α-NAA cho số chồi 3,92 chồi, chiều cao chồi 20,38 mm và số lá/cụm chồi 28,00 lá tại thời điểm 60 ngày sau cấy. Môi trường MS + 30 g/L đường saccarose + 0,5 g/L than hoạt tính bổ sung 2 mg/L α-NAA thích hợp cho sự hình thành rễ của hoa hồng Masora (5,30 rễ) và chiều dài rễ (25,57 mm) tại thời điểm 60 ngày sau cấy.