Nghiên cứu tác động của người dân xung quanh Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen đến loài Le nâu (Dendrocygna javanica)
Nghiên cứu đánh giá những tác động của người dân xung quanh khu bảo tồn đến loài Le nâu (Dendrocygna javanica) ở Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, nhằm tạo cơ sở khoa học cho đề xuất giải pháp hạn chế tình trạng suy giảm của loài chim nước này. Kết quả ghi nhận, phần lớn người dân được khảo sát biết loài Le nâu, với tần suất gặp là 3,5 ± 3,4 lần/người/năm, chủ yếu vào tháng 6-12, ở hệ sinh thái đất ngập nước khác ngoài khu bảo tồn đặc biệt là ruộng lúa (96,2% người dân). Le nâu là đối tượng thường bị đánh bắt ở địa phương (66,7% người dân), phương pháp đánh bắt chủ yếu là lưới (65,4% người dân), câu trời (34,6% người dân), bẫy (11,5%) và súng. Hầu hết người dân (96,7%) biết Le nâu là loài được bảo vệ và đề xuất giải pháp để bảo vệ chúng như nghiên cấm đánh bắt (96,7% người dân), tuyên truyền giáo dục (86,7% người dân), nghiêm cấm người dân vào khu bảo tồn (13,3% người dân). Tuy nhiên, có một số người dân cho biết bắt Le nâu là hoạt động hợp pháp (13,3%) và không ảnh hưởng đến khu bảo tồn (16,7%). 53,3% người dân có nhu cầu nuôi Le nâu và cần hỗ trợ về kỹ thuật, con giống. Vì vậy cần có giải pháp xử phạt những trường hợp đánh bắt Le nâu trong và ngoài khu bảo tồn, hỗ trợ người dân nuôi loài chim nước này; tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ Le nâu và bảo tồn đa dạng sinh học cho người dân đại phương.