Tri thức truyền thống của người H’Mông trong bảo tồn và sử dụng nguồn gen cây khoai sọ nương tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá vai trò tri thức truyền thống của người H’Mông trong việc sử dụng và lưu giữ tại chỗ nguồn gen cây khoai sọ nương phục vụ đời sống và phát triển kinh tế hộ tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Phương pháp điều tra, khảo sát với bộ câu hỏi trắc nghiệm và thu thập các tài liệu liên quan; phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia (PRA); phương pháp thống kê, xử lý số liệu và phân tích hệ thống đã được áp dụng. Kết quả nghiên cứu đã ghi nhận được cơ bản tri thức truyền thống của người H’Mông tại huyện Trạm Tấu trong việc sử dụng, lưu giữ nguồn gen cây khoai sọ nương đặc sản và thương mại hóa sản phẩm. Đó là, những tri thức truyền thống trong lưu giữ khoai sọ nương bao gồm tổng thể từ nhận biết về giống, chuẩn bị giống, làm đất, trồng, chăm sóc, bón phân, kiểm soát sâu, bệnh hại đến thu hoạch và chế biến sản phẩm. Người dân địa phương sử dụng khoai sọ nương trong đời sống hàng ngày làm lương thực với nhiều phương thức chế biến rất đa dạng, như luộc, nấu canh, hầm, cắt lát phơi khô, sử dụng củ làm giống cho vụ sau. Tri thức truyền thống của người H’Mông đã góp phần bảo tồn và phát triển nguồn gen cây khoai sọ đặc sản của vùng cao Yên Bái. Kết quả nghiên cứu cũng xác định được một số tồn tại cần được giải quyết bằng khoa học công nghệ để cây khoai sọ nương bản địa có thể phát triển bền vững tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.