Đặc điểm giải phẫu thân một số loài hồ tiêu (Piper spp.) và khả năng sinh trưởng của các tổ hợp cây tiêu ghép

DƯƠNG THỊ OANH, NGUYỄN QUANG NGỌC, NGUYỄN THỊ THỦY, NGUYỄN BÁ HUY, PHẠM THỊ HOÀI.

Từ khóa

Loài hồ tiêu (Piper spp.), giải phẫu thân cây, tổ hợp ghép.

Tóm tắt

Nghiên cứu đặc điểm giải phẫu thân của một số loài hồ tiêu (Piper spp.) được thực hiện trên các giống hồ tiêu (P. nigrum), tiêu rừng Nam Mỹ (P. colubrinum), tiêu rừng Việt Nam (Piper spp.), trầu không (P. betle), các tổ hợp cây hồ tiêu ghép (VL-Sr1, VL-TRNM, VL-TRQT, VL-TrN) nhằm chọn tạo tổ hợp cây hồ tiêu ghép chống chịu bệnh hại rễ. Vi phẫu thân bằng các lát cắt ngang vuông góc với trục thân sau đó nhuộm kép để nhận biết mô thực vật. Kết quả cho thấy, cấu tạo thân của các loài hồ tiêu tương đồng, gồm các lớp biểu bì, lớp mô dày, lớp mô mềm vỏ, bó mạch vòng ngoài, bó mạch vòng trong, lớp mô cứng, mô mềm tủy. Tuy nhiên, giữa các loài có vị trí sắp xếp các lớp tế bào khác nhau. Vi phẫu vị trí vết ghép của các tổ hợp ghép cho thấy, có sự khác nhau về khả năng tiếp hợp giữa chồi ghép và gốc ghép. Tổ hợp ghép VL-TRQT (Vĩnh Linh-tiêu rừng Quảng Trị), vết ghép tiếp hợp tốt nhưng các mô sắp xếp lộn xộn, không đồng nhất. Tổ hợp ghép VL-TrN (Vĩnh Linh-Trầu không) tiếp hợp kém, hình thành nhiều tế bào chết ngăn cách tượng tầng (tầng phát sinh), tỷ lệ cây ghép sống đạt 55,3%; tổ hợp ghép cùng loài hồ tiêu VL-Sr1 (Vĩnh Linh-Sri Lanka) vết ghép và tượng tầng phát triển liền mạch, ít xuất hiện tế bào chết, tỷ lệ cây ghép sống đạt 62,5%; tổ hợp ghép VL-TRNM (Vĩnh Linh-tiêu rừng Nam Mỹ) tầng phát sinh liền mạch không hoàn toàn, xuất hiện tế bào chết, tỷ lệ cây ghép sống đạt 73,3%.

Ngày nhận bài

: 01/11/2022

Người phản biện

: PGS.TS. Lê Đình Đôn

Ngày duyệt đăng

: 06/01/2023

Đã xuất bản

15/02/2023

Cách trích dẫn

Lĩnh vực

Số thường kỳ