Ảnh hưởng của vi khuẩn quang dưỡng không lưu huỳnh màu tía tiết Exopolymeric đến sinh trưởng và năng suất lúa trong điều kiện đất mặn tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng
Mục tiêu nghiên cứu là đánh giá ảnh hưởng các dòng vi khuẩn quang dưỡng không lưu huỳnh màu tía (PNSB) tiết exopolymeric đến sinh trưởng và năng suất lúa trong điều kiện mặn. Thí nghiệm hai nhân tố được bố trí khối hoàn toàn ngẫu nhiên, bốn lần lặp lại. Trong đó, nhân tố thứ nhất (A) bốn mức độ mặn (i) 0‰, (ii) 2‰, (iii) 3‰, (iv) 4‰ và nhân tố thứ hai (B) PNSB tiết exopolymeric gồm (i) không vi khuẩn, (ii) dòng đơn E-TD16, (iii) dòng đơn E-TD25, (iv) dòng đơn E-TD43, (v) hỗn hợp ba dòng vi khuẩn E-TD16, E-TD25 và E-TD43 (mật số vi khuẩn 1,812 x 105 CFU/g đất khô). Kết quả cho thấy tưới mặn ở nồng độ 2 - 4‰ dẫn đến giảm chiều cao cây, chiều dài bông, số bông trên chậu, tỷ lệ hạt chắc và năng suất hạt lúa so với không tưới mặn. Bổ sung dòng đơn vi khuẩn E-TD16, E-TD25, E-TD43 hoặc hỗn hợp ba dòng vi khuẩn E-TD16, E-TD25 và E-TD43 tăng chiều cao cây, chiều dài bông, số bông trên chậu, tỷ lệ hạt chắc và năng suất hạt lúa trong điều kiện mặn. Năng suất lúa của nghiệm thức bổ sung hỗn hợp ba dòng vi khuẩn E-TD16, E-TD25 và E-TD43 trong điều kiện tưới nước mặn 4‰ đạt cao hơn trong điều kiện không tưới mặn và không bổ sung vi khuẩn, với 21,0 và 18,6 g chậu-1, theo thứ tự. Bổ sung dòng đơn hay hỗn hợp ba dòng vi khuẩn góp phần tăng pHH2O, NH4+, P dễ tiêu, với 2,30 - 3,60%, 183,6 - 243,5%, 36,0 - 49,9%, theo thứ tự. Bổ sung dòng đơn E-TD16, E-TD43 hay hỗn hợp ba dòng vi khuẩn giảm Na+ (7,43 - 14,6%) so với không bổ sung vi khuẩn.