Nghệ An: Chuyển đổi thành công nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao
Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững của người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Do gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh, thời tiết thất thường gây thiệt hại, nhiều hộ nuôi tôm đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi mô hình nuôi một số đối tượng nước mặn lợ khác như: Cá vược, cá chim vây vàng, cá nâu, cá mú, cua... từ đây cũng đã xuất hiện một số mô hình nuôi có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân.
Mô hình nuôi cá vược ở Nghệ An
Trong những năm qua, nghề nuôi tôm nước mặn lợ trên địa bản một số địa phương tại tỉnh Nghệ An phải đối diện với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu diễn ra rất khắc nghiệt, dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng nuôi ở một số vùng đã ảnh hưởng đến người nuôi tôm dẫn đến thiệt hại lớn. Trước những khó khăn đó, nhiều hộ nuôi tôm đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi nuôi một số đối tượng mặn lợ khác như: Cá vược, cá chim vây vàng, cá nâu, cá mú, cua... từ đây cũng đã xuất hiện một số mô hình nuôi có hiệu quả. Đây cũng là một trong những mục tiêu trong xây dựng NTM nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập và phát triển bền vững. Từ thế mạnh về chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã chọn tiêu chí tổ chức sản xuất là tiêu chí điển hình trong xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Đây cũng là định hướng phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững, khả năng thích ứng và chống chịu biến động, cân đối, hài hoà các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế. Phát triển nông nghiệp theo hường hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Để nâng cao chất lượng tiêu chí này, nhiều địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích các hộ nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, trong đó, có nhiều hộ đã chuyển đổi mô hình nuôi thủy sản từ nuôi tôm nước lợ bấp bênh, rủi ro lớn sang nuôi đối tượng nuôi khác; các địa phương cũng đã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất. Trung tâm Khuyến nông Nghệ An cam kết hành động cùng người nuôi tôm thông qua việc hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực quản lý dịch bệnh và ứng dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất, tiếp tục nhân rộng các mô hình liên kết, tạo ra kết quả giá trị chuỗi, ổn định đầu ra và giúp người dân nâng cao thu nhập.
Đầu tiên có thể kể đến mô hình nuôi cá chim vây vàng và cá hồng mỹ của ông Nguyễn Văn Tài xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu. Với tổng diện tích mặt nước của gia đình là 1,5 ha, trong đó ông chia ra 0,7 ha ao chứa nước và 0,8 ha ao nuôi trong đó có 02 ao nuôi cá chim vây vàng (diện tích 2.500 m2/1 ao; 01 ao nuôi cá hồng mỹ diện tích 3.000 m2).
Sau khi được cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh tư vấn giúp đỡ và tìm hiểu một số địa phương đã nuôi trước như: Quảng Trị, Huế... anh đã mạnh dạn thả 15.000 con cá chim trắng vây vàng, cỡ giống 5-8 cm/con và 10.000 con cá hồng mỹ, cỡ giống bình quân 5cm/con. Sử dụng 60% thức ăn công nghiệp và 40% cá tạp các loại. Sau thời gian nuôi gần 7 tháng, qua kiểm tra, theo dõi hàng ngày theo kinh nghiệm của chủ hộ thì tỷ lệ sống ước đạt 70%, cỡ cá thu hoạch bình quân đạt 0,6 kg/con (đối với cá chim) và 0,8 kg/con (đối với cá hồng mỹ), cho sản lượng cá thương phẩm khoảng 6 tấn (cá chim) và 5 tấn (cá hồng mỹ), giá bán tại ao 100 ngàn đồng/kg cá chim và 60 ngàn đồng/kg cá hồng mỹ, gia đình anh đã thu về 900 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí gia đình ông đã thu lãi ròng gần 300 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Tài chia sẻ thêm nếu nuôi đến cuối năm, khi đó cá chim thương phẩm đạt trên 1 kg/con và cá hồng mỹ cũng trên 2 kg/con, giá bán sẽ cao hơn rất nhiều và đương nhiên thu nhập cũng vì thế mà tăng cao không kém gì nuôi tôm trước đây.
Để minh chứng thêm cho kết quả nuôi của mình, ông Tài đã giới thiệu với chúng tôi một số hộ dân lấy cá giống cùng đợt để thả nuôi, chúng tôi đã tìm đến hộ anh Trần Mạnh Đồng xóm 3, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu. Với tổng diện tích là 2,0 ha mặt nước anh dành riêng 1,0 ha để làm ao chứa nước diện tích còn lại được chia làm 4 ao nuôi với diện tích bình quân 2.500 m2/1 ao. Anh thả nuôi 2 ao cua (5.000 m2). Kết quả là trên diện tích 0,5 ha ao nuôi, thả 7.000 con cua giống, cỡ giống thả bình quân 50 con/kg, thức ăn cho cua chủ yếu là cá tạp.
Sau 3 tháng nuôi, với tỷ lệ sống đạt 60%, cỡ cua đạt 0,2 - 0,3 kg/con, cho sản lượng cua thương phẩm là 1.000 kg, giá bán tại ao 420 ngàn đồng/kg, gia đình anh đã thu về hơn 400 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí gia đình anh đã thu lãi ròng từ cua gần 300 triệu đồng. 02 ao còn lại, với diện tích 0,5 ha anh thả 15.000 con cá vược, cỡ giống bình quân 8 cm/con, cho ăn 70% thức ăn công nghiệp và 30% cá tạp. Hiện, cá đang sinh trưởng phát triển tốt, qua kiểm tra hàng ngày cỡ cá bình quân đã đạt 0,5 kg/con với ước tính của anh cuối năm 2024 sẽ thu nhập thêm khoảng 300 - 400 triệu từ cá.
Mô hình nuôi cá chim tăng trưởng tốt tại Hoàng Mai, Nghệ An
Tại xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, mô hình nuôi cá chim của Ông Hồ Văn Dũng bước đầu đã mang lại hiệu quả rất tích cực.
Trước đó, trên diện tích 0,5ha sau nhiều năm ông Hồ Văn Dũng đã tiến hành nuôi tôm thẻ chân trắng, tuy nhiên quá trình nuôi do thời tiết diễn biến thất thường, dịch bệnh trên tôm hoành hành khiến tôm chết hàng loạt dẫn đến thua lỗ liên tiếp.
Không bỏ cuộc, ông Hồ Văn Dũng đã tìm hiểu nhiều mô hình nuôi tại các địa phương lân cận, để chuyển đổi từ đối tượng nuôi là tôm sú công nghiệp sang nuôi cá chim vây vàng công nghiệp, ông Dũng đã nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi và tìm ra cách sản xuất cho riêng mình. Thông qua các cán bộ Khuyến nông ông đã tìm hiểu quy trình kỹ thuật, ông đã chuyển qua nuôi cá chim trên diện tích 0,5 ha mặt nước (2 ao nuôi), với mật độ thả nuôi 3 con/1m2, sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp một phần cá tạp. Đến nay, cá nuôi phát triển ổn định, đạt đầu con và tỷ lệ sống rất cao, hứa hẹn đem lại một vụ mùa thành công. Tuy vốn đầu tư cá giống cao (khoảng 6.000 đồng/con), nhưng chi phí trong quá trình nuôi lại thấp hơn nhiều so với nuôi tôm công nghiệp và một số loại thủy sản khác. Bên cạnh đó, giá cá thương phẩm đang ở mức cao, khoảng từ 100 - 165 ngàn đồng/kg nên nông dân thu lợi rất lớn.
Sau gần 7 tháng nuôi, cá đạt đã trọng lượng bình quân 0,6 kg/con, tỉ lệ sống 70-80%, năng suất 6,5 tấn/0,5 ha (13 tấn/ha). Với giá bán hiện tại khoảng 150.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận từ 150 - 170 triệu đồng/0,5 ha.
Cá chim vây vàng là loại cá được nhiều người ưa thích, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; tốc độ sinh trưởng nhanh, kháng bệnh tốt và ít thất thoát trong quá trình thả nuôi. Nuôi cá chim vây vàng theo hình thức công nghiệp là một nghề mới ở huyện Quỳnh Lưu. Qua khảo sát, có thể khẳng định đây là một mô hình hay và cần được nhân rộng”.
Một trong những gương điển hình trong chuyển đổi mô hình nuôi tôm nước lợ sang các đối tượng khác phải kể đến mô hình nuôi cá rô phi trong ao tôm của chị Nguyễn Thị Sao phường Quỳnh Xuân, Thị xã Hoàng Mai.
Với diện tích 3.000 m2 ao nuôi, sau nhiều năm nuôi tôm thẻ không hiệu quả do hạ tầng xuống cấp không có đầu tư, dịch bệnh và tôm phải thu hoach sớm. Chị đã quyết định chuyển qua nuôi cá Rô phi đơn tính kết hợp trong ao tôm. Trên cơ sở ao nuôi tôm có sẵn Chị đã làm hệ thống đăng quầng khu vực giữa ao (rốn siphong) diện tích khoảng 200 m2/3.000 m2 ao nuôi (tỷ lệ chiếm 7% diện tích).
Sau gần 4 tháng nuôi số tôm thu được gần 3 tấn tôm cỡ bình quân 40 con/kg giá bán 140.000/kg thu về 420 triệu và 650 kg cá cỡ 0,8 kg/con bán giá 50.000/kg thu về 32 triệu. Trừ các khoản chi phí cơ bản gia đình lãi ròng gần 300 triệu/0,3 ha/vụ nuôi.
Ngoài những mô hình nói trên, một số địa phương tại tỉnh Nghệ An như: Thị xã Hoàng Mai, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Thành phố Vinh cũng đang tiến hành chuyển đổi mô hình từ nuôi tôm nước lợ sang nuôi các đối tượng thủy sản mặn lợ như cá mú, cá vược, cá nâu... và đang trong quá trình quản lý chăm sóc và theo dõi.
Có thể thấy những mô hình nuôi một số đối tượng thủy sản nước mặn lợ ở trên bước đầu đã có kết quả khả quan. Tuy nhiên, để phát triển nuôi những đối tượng này một cách bền vững, thì cần tăng cường công tác quản lý, tập huấn kỹ thuật và xây dựng một số mô hình trình diễn để đúc rút bài học kinh nghiệm từ đó nhân ra diện rộng.
Văn Thọ